News

"Vua tiêu" Phan Minh Thông tiết lộ "chìa khoá" thành công, đưa cà phê, hạt tiêu xuất khẩu đi 102 quốc gia

"Vua tiêu" Phan Minh Thông tiết lộ "chìa khoá" thành công, đưa cà phê, hạt tiêu xuất khẩu đi 102 quốc gia

"Vua tiêu" Phan Minh Thông tiết lộ "chìa khoá" thành công, đưa cà phê, hạt tiêu xuất khẩu đi 102 quốc gia

 

Chìa khóa thành công của Công ty Cổ phần Phúc Sinh không chỉ là sự nỗ lực và kiên trì, mà còn là khả năng linh hoạt và sẵn sàng học hỏi. Tôi luôn khuyến khích mọi người không chỉ tìm kiếm cơ hội, mà còn tự tạo cơ hội bằng cách không ngừng đặt ra những thách thức mới và thách thức chính mình...


Ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh chia sẻ như vậy trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIS), diễn ra ngày 25/11 tại TP.HCM. Sự kiện diễn ra thường niên do InnoLab Asia phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức, quy tụ các nhà hoạch định chính sách, cơ quan Chính phủ, các quỹ đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp khởi nghiệp tăng trưởng nhanh và những người có ảnh hưởng trên toàn thế giới... 

Hiện tại, Phúc Sinh là doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu nông sản, trong đó các sản phẩm chủ lực là hạt tiêu, cà phê, hạt điều, quế, hồi... 

Chìa khoá xuất khẩu hồ tiêu, cà phê đi khắp thế giới

Sau hơn 20 năm thành lập, Công ty Cổ phần Phúc Sinh hiện đang chiếm 8% thị phần xuất khẩu hồ tiêu trên toàn cầu, riêng hồ tiêu sấy lạnh, sốt tiêu xanh Phúc Sinh chiếm khoảng 40% thị phần toàn cầu. Với mặt hàng cà phê, doanh nghiệp này cũng liên tục nằm trong top 4 nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, với những thương hiệu nổi tiếng như K COFFEE, Blue Sơn La. 


Là người sáng lập Công ty Cổ phần Phúc Sinh, ông Phan Minh Thông cho biết, đã từ lâu ông không còn nghĩ tới việc mình phải "sống chết" để giữ vị trí số 1, điều quan trọng là suy nghĩ làm sao để đa dạng hoá tất cả mọi thứ, tạo ra nhiều sản phẩm tốt cung cấp cho thị trường. 

Để làm được điều đó, ông Thông không thúc giục nhân viên phải đạt chỉ tiêu doanh số mà khuyến khích mọi người cùng khám phá chiến lược thúc đẩy văn hóa đổi mới, sáng tạo trong tập đoàn. 

"Chúng tôi có thể mô tả văn hoá này bằng một câu nói được ví như "kim chỉ nam" của Phúc Sinh: Thành công hôm nay đã là quá khứ. Tôi luôn tâm niệm, luôn nhắc nhở nhân viên và chính mình rằng, phải quên đi những thành tích đã qua và phải bắt đầu xây dựng lại sự khác biệt từng ngày, từng tháng. Với tôi kinh doanh là phải thế, sáng tạo không ngừng và làm việc phải đến nơi, đến chốn. Không cho phép bản thân ngủ quên trên chiến thắng, bởi chìa khóa thành công của Phúc Sinh chính là nỗ lực, kiên trì và không ngừng sáng tạo" - ông Thông chia sẻ tại phiên thảo luận có chủ đề Đổi mới vì một Việt Nam xanh hơn. 

Theo đó, văn hoá đổi mới này không chỉ là một phản ánh của quan điểm cá nhân người đứng đầu tập đoàn, mà là sự thể hiện của tinh thần đồng đội và cam kết của mỗi thành viên đối với sự tiến bộ.

Châm ngôn "Thành công hôm nay đã là quá khứ" không chỉ là một câu khẩu hiệu, mà là một triết lý sống được gắn kết sâu sắc trong tâm hồn mỗi người trong tổ chức. 

Ông Thông cho biết: "Chúng ta không thể dừng lại ở thành công hôm qua, vì mỗi ngày là một cơ hội mới để nỗ lực và đổi mới. Tôi tin rằng kinh doanh không chỉ là việc duy trì mà còn là về sự đổi mới không ngừng. Sự sáng tạo là ngọn đèn dẫn đường, và chúng ta không bao giờ nên ngừng tìm kiếm cách để cải thiện, thay đổi, và làm mới bản thân cũng như tổ chức. Do đó tôi luôn khuyến khích mọi người không chỉ tìm kiếm cơ hội, mà còn tự tạo ra cơ hội bằng cách không ngừng đặt ra những thách thức mới và thách thức chính mình".

Theo đó, Phúc Sinh đã đầu tư rất lớn vào máy móc, ứng dụng và phát triển các hệ thống phần mềm, công nghệ vào quản trị và điều hành doanh nghiệp. Với hệ sinh thái về phần mềm vững mạnh và hiện đại, Phúc Sinh thuận lợi hơn rất nhiều trong việc thống kê, dự đoán, phán đoán, qua đó giúp tập đoàn thực hiện các công việc hàng ngày, đưa ra các chiến lược thúc đẩy trong tương lai dễ dàng và chính xác hơn.

 

Phòng thí nghiệm hiện đại tại nhà máy của Công ty TNHH Gia vị Việt Nam Vietspice (công ty con của Tập đoàn Phúc Sinh tại tỉnh Bình Dương)

"Chúng tôi không chỉ nhìn vào việc sử dụng phần mềm công nghệ trong quản lý và điều hành, mà còn chú trọng đến việc xây dựng một hệ sinh thái vững mạnh xung quanh nó. Tức là đặt sự chú ý đặc biệt vào việc phát triển các hệ thống phần mềm linh hoạt, đáp ứng nhanh chóng với sự biến động của thị trường và yêu cầu kinh doanh. Cũng nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, phần mềm tiên tiến mà Phúc Sinh cắt giảm được nhiều chi phí trung gian không cần thiết, đồng thời dễ dàng kết nối với mọi khách hàng trên khắp thế giới" - ông Phan Minh Thông nói. 

Mặc dù ý thức từ rất sớm việc cần đổi mới và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, song ông Thông cũng thừa nhận quá trình này gặp rất nhiều khó khăn thách thức. Trước tiên là "thói quen" không chịu thay đổi, thói quen luôn muốn dùng cái cũ. Sự thành công quá cũng làm người ta không chịu thay đổi. Khi có thành công thì con người ta dễ rơi vào tình trạng "ngủ quên trên chiến thắng". 

Thứ 2, tuổi tác cũng là một vấn đề lớn biến con người trở nên ù lì, muốn an toàn và e ngại đương đầu với những điều mới mẻ. 

"Vua tiêu" Phan Minh Thông: Tôi cô đơn khi bán cà phê nguyên chất ở Việt Nam

Ông Thông kể: Khi chúng tôi xây dựng phần mềm ERP (hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp), rất nhiều bộ phận không muốn làm. Họ giữ các thông tin, ví dụ như bộ phận kế toán thì kế toán trưởng muốn giữ tất cả thông tin dành cho bộ phần của mình. Giám đốc tài chính cũng không muốn chia sẻ thông tin cho các bộ phận khác… 

"Nếu con người không chịu thay đổi thì phải làm sao? Tôi cho rằng tự bản thân mình phải thay đổi trước, dám thay đổi để phù hợp với xã hội, với sự đổi mới của thế giới. Tôi cùng các cộng sự xây dựng mục tiêu cụ thể, lộ trình rõ ràng. Quan trọng hơn, Phúc Sinh tạo ra một môi trường mà ở đó con người sẵn sàng chấp nhận những cái mới, những người biết lắng nghe cái mới mà không nản lòng, nhụt chí, ngay cả khi sự đổi mới đó phải trả giá ít nhiều" - ông Thông khẳng định. 

Vậy làm thế nào để khuyến khích mọi người cùng hợp tác và chia sẻ ý tưởng trong tổ chức? Thứ nhất, bạn phải giúp họ nhìn thấy những lợi ích mà khi hợp tác sẽ mang lại, nhất là những lợi ích có được khi sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề tồn đọng, ví dụ như khi phần mềm ERP chạy xuyên suốt sẽ giúp chúng ta sẽ tiết kiệm được vô vàn thời gian, công sức và tiền bạc.

Ông Phan Minh Thông cùng các diễn giả nhận quà lưu niệm từ Ban tổ chức.

Thứ hai là xây dựng một môi trường làm việc tích cực, tạo không gian mở, thoải mái để nhân viên có thể tự do thảo luận và chia sẻ ý tưởng; khuyến khích tinh thần đoàn kết, làm việc nhóm; tăng cường các lớp đào tạo, nâng cao trình độ cho nhân viên...

Ông Phan Minh Thông tiết lộ, mỗi ngày Phúc Sinh có tới hàng trăm đơn hàng khác nhau, với từng đó nhân viên sẽ không thể xử lí cùng lúc các đơn hàng, bạn có thể bỏ sót thông tin nếu chỉ làm thủ công. Khi bạn có phần mềm, nó sẽ giúp bạn tối ưu nguồn lưu trữ, xử lí số liệu chính xác, giúp bạn hạn chế những sai lầm, rủi ro... 

Lợi ích của việc đổi mới, áp dụng công nghệ càng rõ hơn bao giờ hết cả trong và sau đại dịch Covid-19, khi thế giới đặt ra các vấn đề về Phát triển bền vững (gồm các tiêu chí về Môi trường, Xã hội và Quản trị, gọi tắt là ESG). 

Theo đó, Phúc Sinh là những công ty đầu tiên ở Việt Nam thực hiện những chuẩn mực về ESG và gần như 90% hệ thống của doanh nghiệp đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về ESG.

Các sản phẩm cà phê của Phúc Sinh hiện đang được bán rộng rãi trong các siêu thị tại Mỹ.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Phúc Sinh đã đầu tư các giải pháp công nghệ để giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý chất thải, tăng cường quản trị nhân sự... 

"Với một doanh nghiệp xuất khẩu lớn như Phúc Sinh, nếu dùng giấy để in uỷ nhiệm chi thì không biết bao nhiêu giấy thải ra. Rất may là hệ thống phần mềm đã giúp chúng tôi lưu trữ, tiết kiệm thời gian và góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững cho Tập đoàn" - ông Thông nêu ví dụ.